Bơnê – con được học tiếng “cám ơn”

Lý Thành Nhân


Mùa hoa muồng và dã quỳ đã qua. Lúc này là khung cảnh của mùa cà phê chín, cả một con đường trải dài những sân phơi cà phê. Đó là những kilomet đầu tiên trên chuyến đi vào xã Hà Đông – Đăk Đoa. Từ trung tâm thành phố, đến tỉnh lộ, đường làng rồi băng rừng, chạy theo những đoạn đèo quanh co, khúc khuỷu tạo chút cảm giác mạo hiểm, chúng tôi đã đi hơn 70 cây số để đến với xã, với làng.
Một đoạn đường đến Hà Đông

Những phút đầu khi đặt chân đến làng, bất chợt có chút lẫn lộn trong cảm xúc: một chút tò mò về văn hóa, rồi cảm thông với hoàn cảnh, vui cùng sự hồn nhiên của mấy đứa trẻ và lạnh. (cười)
Sau khi chụp tấm ảnh làm tư liệu, nói lời cảm ơn các bà các bác thì được đáp lại “bơ-nê”. Một chị trẻ tuổi hơn nói “bơnê – cám ơn”. À, thì ra đó là lời cám ơn trong tiếng Bahnar. Lúc đó cảm thấy rất thú vị, cứ mỗi lần chụp một tấm ảnh là lại nói bơnê, bơnê làm mấy đứa con nít trong làng cười ríu rít. Cái cảm giác đó chính xác là giống như mấy ông Tây sang Việt Nam tập nói được mấy câu tiếng Việt rồi cứ gặp ai cũng kiểu “Xin chao”, “Toi yeu Vietnam”. 
Khoảnh khắc đó sẽ làm cho ai cũng cảm thấy dường như xung quanh đều là những người thân thuộc. Có thể do mình dễ làm quen với mọi người. Nhưng cũng có thể do cái bụng tốt và cái tính lành của những người con Tây nguyên là chất men tự nhiên nhất để kết nối con người.  
Chào tạm biệt mọi người và vẫn nhớ những bàn tay vẫy chào cùng nụ cười rất tươi của các mẹ, các chị ngay trước sân nhà thờ làng Kon Jốt.
Hoa ở đây cũng có nét hoang dại rất riêng

Lý Thành Nhân


Nhận xét