GÓC NHÌN VỀ ÁP DỤNG ÁN LỆ TỪ VỤ VIỆC THỰC TIỄN



Lý Thành Nhân
        Dẫn nhập
Tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là một dạng tranh chấp dân sự phổ biến. Trong các tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, vấn đề hiệu lực của hợp đồng thường được đưa ra xem xét. Có nhiều trường hợp Tòa án tuyên hợp đồng vô hiệu về hình thức vì các bên ký kết không thực hiện công chứng, chứng thực theo quy định Bộ luật Dân sự, Luật Đất đai. Bên cạnh đó, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng, hộ gia đình cũng bị tuyên bố vô hiệu do không có đủ chữ ký của tất cả người có quyền. Trên cơ sở quy định pháp luật và đối chiếu với các nội dung tại Bản án số 122/2017/DS-PT của Tòa án Nhân dân tỉnh Hậu Giang, tác giả sẽ làm rõ các khía cạnh pháp lý đặt ra.

Tóm tắt vụ việc và nội dung bản án
Ngày: 04/07/2017
V/v: “Tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất”
Ông Đặng Văn T1 là đồng chủ sử dụng phần đất 41,9m2 tại huyện C, tỉnh Hậu Giang cấp cho hộ ông T1, trong đó có bà Lê Thị T và các con. Năm 2000, ông T1 ký giao kèo với bà Nguyễn Thị A có nội dung chuyển nhượng phần đất trên và nhận của bà A 03 chỉ vàng 24k. Giao kèo không được công chứng, chứng thực nhưng có sự chứng kiến, xác nhận của chính quyền ấp.
Từ năm 2000, bà A xây dựng nhà trên phần đất này và sử dụng liên tục, ổn định. Đầu năm 2014, bà A xây dựng lại nhà kiên cố nhưng bị gia đình bà T ngăn cản vì cho rằng đây là đất cho ở nhờ, thực tế không có chuyển nhượng. Bà A khởi kiện ra Tòa án, yêu cầu bảo vệ quyền lợi.
Bản án sơ thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, công nhận hợp đồng giữa ông T1 và bà A.
Bị đơn là bà T có đơn kháng cáo.
Bản án phúc thẩm tuyên: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện, công nhận hợp đồng giữa ông T1 và bà A. Xác định lại diện tích phần đất công nhận cho bà A.

Nội dung bình luận
01. Hình thức của hợp đồng và hợp đồng vô hiệu do vi phạm hình thức
Dưới khía cạnh luật định, Điều 689 Bộ luật dân sự 2005 (BLDS 2005) quy định việc chuyển quyền sử dụng đất phải thực hiện thông qua hợp đồng và phải được công chứng, chứng thực. Hình thức công chứng, chứng thực đối với giao dịch chuyển quyền sử dụng đất là điều kiện để giao dịch có hiệu lực. Hợp đồng vi phạm về hình thức sẽ bị Tòa án tuyên bố vô hiệu nếu: Toà án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác quyết định buộc các bên thực hiện quy định về hình thức của giao dịch trong một thời hạn mà quá thời hạn đó không thực hiện thì giao dịch vô hiệu (Điều 134 BLDS 2005). Thời hiệu để một bên yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu về hình thức là 2 năm kể từ thời điểm ký hợp đồng (Điều 136 BLDS 2005).
Như vậy, với quy định ở BLDS 2005 thì hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất bắt buộc phải tuân thủ hình thức luật định, nếu không tuân thủ sẽ bị tuyên là vô hiệu. Điều này dẫn đến nhiều trường hợp hợp đồng miệng hoặc hợp đồng không được công chứng, chứng thực đã thực hiện được một thời gian dài rồi xảy ra tranh chấp thì vẫn có thể bị Tòa án tuyên vô hiệu.
Đối chiếu với Bộ luật Dân sự 2015 (BLDS 2015), BLDS 2015 tiếp tục ghi nhận hợp đồng chuyển quyền bất động sản phải được công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, cách thức xử lý hợp đồng vô hiệu, BLDS 2015 đã làm rõ một số vấn đề so với BLDS trước đây. Theo quy định, quá trình thực hiện hợp đồng là yếu tố bắt buộc xem xét khi giải quyết vấn đề vi phạm hình thức. Cụ thể, nếu các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ thì Tòa án công nhận giao dịch theo yêu cầu và các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Điều 129. Giao dịch dân sự vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức
Giao dịch dân sự vi phạm quy định điều kiện có hiệu lực về hình thức thì vô hiệu, trừ trường hợp sau đây:
2. Giao dịch dân sự đã được xác lập bằng văn bản nhưng vi phạm quy định bắt buộc về công chứng, chứng thực mà một bên hoặc các bên đã thực hiện ít nhất hai phần ba nghĩa vụ trong giao dịch thì theo yêu cầu của một bên hoặc các bên, Tòa án ra quyết định công nhận hiệu lực của giao dịch đó. Trong trường hợp này, các bên không phải thực hiện việc công chứng, chứng thực.
Bên cạnh đó, quy định BLDS 2015 còn có sự thay đổi liên quan đến thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng vô hiệu. Quy định mới bổ sung hướng dẫn xử lý đối với trường hợp hết thời hạn yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu theo hướng công nhận giao dịch. Như vậy, khi áp dụng BLDS 2015, Tòa án không thể tự tuyên bố hợp đồng vô hiệu về hình thức nếu thời hạn yêu cầu đã hết. So với trước đây, nếu thời hạn yêu cầu đã hết mà vụ việc đã được thụ lý, giải quyết thì Tòa án có quyền tự xem xét hiệu lực của giao dịch. Điểm khác biệt này sẽ dẫn đến thay đổi cách thức xử lý vụ việc tại Tòa án.
Điều 132. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu
1. Thời hiệu yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu quy định tại các điều 125, 126, 127, 128 và 129 của Bộ luật này là 02 năm, kể từ ngày:
đ) Giao dịch dân sự được xác lập trong trường hợp giao dịch dân sự không tuân thủ quy định về hình thức.
2. Hết thời hiệu quy định tại khoản 1 Điều này mà không có yêu cầu tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu thì giao dịch dân sự có hiệu lực.
Từ quy định của BLDS 2015, các trường hợp công nhận hiệu lực hợp đồng không tuân thủ hình thức đã được mở rộng hơn. Cụ thể, khi xác định hiệu lực hợp đồng, bên cạnh yêu cầu khắc phục hình thức như quy định BLDS 2005, Tòa án phải xem xét đến giai đoạn thực hiện và thời hiệu yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu.
Xét đến nội dung vụ việc, giữa ông T1 và bà A chỉ lập “tờ giao kèo chuyển nhượng đất” ngày 10/4/2000, hơn nữa giao kèo này chưa tuân thủ theo quy định của pháp luật về hình thức công chứng, chứng thực. Trong trường hợp này, Tòa án có đủ căn cứ áp dụng quy định tại Điều 134 BLDS 2005 để tuyên bố giao dịch này vô hiệu về hình thức. Vì ông T1 đã mất cho nên Tòa án có gia hạn thời gian để hoàn thiện hình thức của hợp đồng theo đúng quy định thì cũng không thể thực hiện được. Đây là một bất lợi lớn đối với bà A.
Thay vào đó, nếu áp dụng Khoản 2 Điều 129 BLDS 2015 thì “tờ giao kèo chuyển nhượng đất” ngày 10/4/2000 có thể được công nhận vì đã hết thời hiệu yêu cầu tuyên vô hiệu về hình thức. Đồng thời, hai bên đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ trong hợp đồng, cụ thể là bà A là trả cho ông T1 03 chỉ vàng 24k và ông T1 giao đất cho bà A. Như vậy, khi áp dụng quy định của BLDS 2015, Tòa án không được tuyên hợp đồng vô hiệu về hình thức, trong trường hợp hợp đồng đáp ứng đủ các điều kiện có hiệu lực khác thì phải công nhận hiệu lực của giao dịch.

02. Định đoạt tài sản chung
Dưới góc độ quy định về định đoạt tài sản chung của hộ gia đình thì tài sản của hộ thì tất cả thành viên có quyền ngang nhau trong việc định đoạt và tài sản chung có thể phân chia theo thỏa thuận theo Điều 212 BLDS 2015. Nói cách khác, tài sản chung của hộ gia đình phải được tất cả thành viên cùng nhau quyết định định đoạt nếu không có thỏa thuận khác. Trong giao dịch, hộ gia đình thể hiện ý chí định đoạt chung thông qua hình thức tất cả thành viên cùng ký tên hoặc có ý kiến, văn bản đồng ý về vấn đề định đoạt tài sản, đặc biệt là chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Xem xét nội dung vụ việc, Tòa án nhận định phần đất tranh chấp là cấp cho hộ ông T1, khi chuyển nhượng phải có sự đồng ý của tất cả thành viên. Tòa án vẫn thống nhất quan điểm việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình phải có sự đồng ý của tất cả thành viên. Tuy nhiên, Tòa án cũng có nhận định chữ ký không phải là căn cứ duy nhất chứng minh cho ý chí các thành viên, cần phải xem xét thực tế quá trình thực hiện hợp đồng. Nói cách khác, không ký tên không đồng nhất với không đồng ý.
Liên quan đến vấn đề vừa nêu, BLDS chưa có hướng dẫn cụ thể. Thay vào đó, án lệ số 04/2016/AL có hướng dẫn đối với những vụ việc mà tài sản chung của vợ chồng chỉ có một người đứng ra ký tên chuyển nhượng cho người khác, người còn lại không ký tên mà có căn cứ cho thấy bên chuyển nhượng đã nhận đủ số tiền theo thỏa thuận, người không ký tên biết và cùng sử dụng tiền chuyển nhượng, không phản đối gì; bên được chuyển nhượng đã nhận, quản lý và sử dụng công khai thì phải xác định là người đó đồng ý với việc chuyển nhượng đó.
Bản án phúc thẩm của Tòa án tỉnh Hậu Giang đã vận dụng án lệ để giải quyết vụ việc tranh chấp. Tòa án nhận định: “Việc chuyển nhượng đất diễn ra từ năm 2000, sau khi mua đất, bà A đã giao đủ vàng cho ông T1 và ông T1 cũng đã giao đất cho bà sử dụng từ năm 2000 cho đến nay và bà A đã xây dựng nhà và trực tiếp ở trên phần đất này. Trong khi đó gia đình bà T vẫn ở trên diện tích đất còn lại, liền kề với nhà bà A nhưng không có ý kiến hay tranh chấp gì. Từ đó cho thấy việc ông T1 chuyển nhượng phần đất này cho bà A cũng như việc bà A cất nhà ở trên phần đất này từ năm 2000 đến nay đã được sự đồng ý của bà T cùng các con của bà. Hơn nữa, bà T cũng thừa nhận là ông T1 và bà có nhận 03 chỉ vàng 24k từ bà A và tại phiên tòa hôm nay những người con của ông T1, bà T cũng thừa nhận là có biết việc ông T1, bà T nhận 03 chỉ vàng 24k từ bà A”. Có thể thấy, nhận định của Tòa án hoàn toàn phù hợp với nội dung của án lệ.
Điểm đáng chú ý trong cách giải quyết tranh chấp của Tòa án là vận dụng án lệ một cách linh hoạt. Án lệ số 04/2016/AL hướng dẫn đối với việc định đoạt tài sản chung của vợ chồng. Đối chiếu với nội dung vụ việc, đây là tranh chấp mà đối tượng là quyền sử dụng đất của hộ gia đình. Mặc dù có sự khác nhau về chủ thể, Tòa án đã vẫn dụng đúng tinh thần và nội dung án lệ để xử lý vụ việc hợp lý nhất.

Kết luận
Bộ luật dân sự 2015 ra đời cùng với hệ thống án lệ đã làm thay đổi và định hướng thống nhất cách thức xử lý, giải quyết nhiều quan hệ tranh chấp trong đó có tranh chấp về hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất. Việc áp dụng án lệ trong hoạt động xét xử giúp Tòa án giải quyết tốt các quan hệ chưa được pháp luật điều chỉnh chi tiết, quyền lợi các bên được đảm bảo. Trong tranh chấp được bình luận, vấn đề hợp đồng vô hiệu về hình thức và vấn đề định đoạt tài sản chung đã được Tòa án vận dụng quy định hiệu quả, giải quyết đúng pháp luật. Các vấn đề được giải quyết không chỉ dựa vào hình thức thể hiện mà còn đi sâu vào hành động và ý chí của các bên, từ đó có kết luận cuối cùng đúng đắn, hợp lý, hợp tình./.

Cảm ơn bạn đã quan tâm đến chủ đề!

Lý Thành Nhân

Nhận xét