Vai trò của giáo dục đối với sự phát triển xã hội trong giai đoạn hiện nay

Giáo dục và vai trò của giáo dục đối với nền kinh tế và xã hội đã được thừa nhận trong suốt tiến trình phát triển. Đối với xã hội, giáo dục mang lại những ý nghĩa tích cực. Vai trò của giáo dục đối với xã hội được thể hiện qua hai phương diện tiêu biểu sau:
a. Chính trị - xã hội
Thực hiện công tác giáo dục là nhiệm vụ, chức năng của Nhà nước song giáo dục còn là một công cụ hữu hiệu giúp Nhà nước thực hiện mục tiêu xây dựng hệ tư tưởng chính trị phù hợp với giai cấp cầm quyền. Đây không chỉ là hoạt động được thực hiện đơn nhất tại Việt Nam, mà tất cả các nhà nước trên thế giới đều xây dựng hệ tư tưởng của giai cấp hay của đảng cầm quyền của nhà nước đó. Thông qua giáo dục, Nhà nước khai sáng nhận thức, bồi dưỡng tình cảm, củng cố niềm tin, kích thích hành động của tất cả các lực lượng xã hội thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách... nhằm duy trì, củng cố chế độ chính trị[1].
Về chính trị, gắn giáo dục với nhiệm vụ chính trị không chỉ được đặt ra trên cơ sở lý luận mà còn trên cơ sở đút kết từ thực tiễn quản lý nhà nước. Đơn cử vào năm 2001, nhóm FULRO với các phần tử phản động đã lôi kéo đồng bào khu vực Tây nguyên bạo động đòi thành lập “nhà nước Đêga tự trị” gây ra bất ổn về chính trị đối với Nhà nước Việt Nam. Trong sự kiện này, sự hạn chế trong nhận thức của người dân về tư tưởng – chính trị chính là yếu tố bị lợi dụng, dẫn dắt nhằm chống phá nhà nước, hệ thống chính trị, thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Trong giai đoạn này, nếu công tác giáo dục đối với đồng bào Tây nguyên được đảm bảo, đặc biệt là giáo dục về đường lối, chính sách của Nhà nước thì nguyên nhân dẫn đến bạo loạn đã có thể được loại trừ.
Từ kinh nghiệm nêu trên, song song với quá trình đấu tranh phòng chống tội phạm, hiện nay Nhà nước đã và đang đẩy mạnh công tác giáo dục, đào tạo tại khu vực Tây nguyên nhằm giữ vững chính trị khu vực. Cụ thể, “kết thúc năm học 2016-2017, toàn vùng Tây Nguyên có 3.351 trường học từ mầm non đến trung học phổ thông (THPT) với gần 1,5 triệu học sinh các cấp”[2]. Tạo điều kiện học tập cho trẻ em vùng Tây nguyên cũng chính là thực hiện nhiệm vụ về chính trị. Đây cũng là minh chứng ý thức về vai trò của giáo dục với chính trị. Như vậy, giáo dục, nâng cao dân trí đang thể hiện rõ vai trò quan trọng đối với an ninh chính trị của quốc gia thông trong từng chương trình hành động cụ thể.
Về khía cạnh xã hội, giáo dục có sự tác động làm thay đổi cấu trúc xã hội, thay đổi vị trí xã hội của mỗi cá nhân với cộng đồng. Giáo dục làm thay đổi về vị trí xã hội cũng như đóng góp của mỗi cá nhân trong xây dựng xã hội. Xuất phát từ sự thay đổi trong kinh tế - sản xuất, thành phần xã hội cũng có sự thay đổi phù hợp. Sự chuyển đổi từ nền kinh tế nông nghiệp sang giai đoạn công nghiệp hóa, hiện đại hóa làm cho đội ngũ công nhân, trí thức được bổ sung về số lượng và nâng cao về chất lượng thông qua giáo dục. Có thể thấy, giáo dục có vai trò tích cực đối với phát triển của xã hội trong bối cảnh hiện nay.
b. Tư tưởng – văn hóa
Tư tưởng – văn hóa được xem như mặt trận của giáo dục. Về tư tưởng, những chuẩn mực đạo đức của xã hội được xây dựng trong mỗi người thông qua giáo dục. Giáo dục định hướng thế giới quan, hình thành và nâng cao ý thức con người. Mỗi người có nhận thức đúng đắn, có định hướng trong hoạt động sẽ góp phần vào việc xây dựng và phát triển đất nước.
Về văn hóa, với tính chất nhân văn, giáo dục bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc, nhân loại. Bên cạnh đó, không thể phủ nhận tầm quan trọng của giáo dục trong xây dựng trình độ văn hóa cho toàn xã hội. Nâng cao dân trí, phát hiện và bồi dưỡng nhân tài là công tác được chú trọng. Hiện nay công tác phổ cập giáo dục tại Việt Nam được thực hiện đến bậc trung học cơ sở cho thấy phổ cập giáo dục có trình độ ngày càng cao cho xã hội nói chung và cho thế hệ trẻ nói riêng. Trong xã hội Việt Nam hiện nay với sự vận động, thay đổi không ngừng cùng nhiều vấn đề tồn đọng cần giải quyết, vai trò của giáo dục với tư tưởng – văn hóa lại càng phải được chú trọng hơn nữa.    
Trong những thập kỷ gần đây với chính sách mở cửa, Việt Nam bước vào thời kỳ hội nhập. Việt Nam và các quốc gia trên thế giới có nhiều vấn đề quan tâm chung. Tiến bộ về khoa học công nghệ tạo nên một thế giới phẳng kết nối kinh tế, xã hội, con người. Tất cả đã và đang trong tiến trình toàn cầu hóa. Hòa cùng xu hướng phát triển chung của thế giới, đất nước chúng ta đặt ra phương hướng phát triển văn hóa tiến tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Bên cạnh những lợi ích đạt được, Việt Nam đang đối mặt với vấn đề giữ gìn bản sắc trong bối cảnh hội nhập.
Hiện nay, Việt Nam đang tiếp nhận rất nhiều luồng văn hóa từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Một trong những thành tố của văn hóa chính là ngôn ngữ. Trong sự tiếp xúc, đón nhận những cái mới, có thể nhận thấy giới trẻ là chủ thể tích cực tiếp nhận và thích ứng nhanh chóng nhất. Thực trạng hiện nay các bạn trẻ sử dụng ngôn ngữ với sự pha trộn giữ tiếng Việt và những ngôn ngữ khác nhằm thuận tiện trong giao tiếp hay đơn giản để thể hiện phong cách của bản thân[3]. Đứng trước thực trạng này, nhờ có giáo dục mà con người đánh giá được tính đúng sai, biết chọn lọc điểm tiến bộ, có cách thức phản ứng phù hợp và thể hiện văn hóa của mình trong thời kỳ hội nhập. Như vậy, quá trình hội nhập càng sâu rộng, văn hóa càng phát triển thì vai trò của giáo dục lại càng phải được nhìn nhận.
Ở một khía cạnh khác, giáo dục nâng cao dân trí trong bối cảnh hiện nay có vai trò tích cực trong hoạt động đấu tranh phòng chống tệ nạn xã hội, bài trừ mê tính, xóa bỏ hủ tục. Ngày nay, tệ nạn xã hội mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp quản lý, phòng chống song vẫn diễn biến phức tạp, nhanh chóng và đặc biệt trẻ hóa về độ tuổi người tham gia. Trước thực trạng trên, giáo dục nâng cao dân trí chính là giải pháp bền vững của hoạt động đấu tranh phòng chống. Tệ nạn xã hội, mê tính, hủ tục chỉ có thể được kéo giảm nếu con người có đủ nhận thức đúng đắn, xóa bỏ tư tưởng tiêu cực thông qua giáo dục. Có như vậy, xã hội mới có thể trở nên tốt đẹp hơn, có cơ sở để phát triển bền vững.
Với chức năng về chính trị - xã hội và văn hóa – tư tưởng, giáo dục trở thành công cụ giải quyết các vấn đề xã hội mang tính bền vững và hướng đến đạt những lợi ích lâu dài. Từ những vấn đề xã hội được đặt ra, nhận thức về vai trò của giáo dục với sự phát triển của xã hội Việt nam hiện nay càng phải được chú trọng. 





[1] Tham khảo Trần Thị Tuyết Oanh chủ biên (2011), Giáo trình giáo dục học, Nhà xuất bản Đại học sư phạm
[2] Xem Khởi sắc giáo dục vùng Tây Nguyên, Báo Đắk Lắk điện tử, truy cập ngày 02/01/2018
 http://baodaklak.vn/channel/3486/201708/khoi-sac-giao-duc-vung-tay-nguyen-5546457/
[3] Xem Khắc phục tình trạng lai căng văn hóa trong ngôn ngữ, Báo Văn nghệ Công an Online, truy cập 02/01/2018
http://vnca.cand.com.vn/Ly-luan/Khac-phuc-tinh-trang-lai-cang-van-hoa-trong-ngon-ngu-463838

Nhận xét