Tổ chức thiện nguyện là một nhu cầu
chính đáng của chúng ta với mong muốn mang đến những điều tốt đẹp cho cộng đồng
và xã hội. Qua mỗi việc làm dù công phu hay đơn giản, mục đích của người làm
thiện nguyện là hướng tới những lợi ích thiết thực. Cùng với đó, qua các việc
làm, hoạt động này, người làm thiện nguyện cũng thỏa mãn được cái tôi, nhu cầu
cá nhân của mình. Thế nhưng, khi thực hiện các chương trình, các hoạt động, liệu
chúng ta đã cân nhắc đến các yêu cầu về pháp lý và đã thực hiện đúng quy định của
pháp luật hay chưa?
Trong phạm vi bài viết, tác giả
xin trình bày một số vấn đề pháp lý từng tìm hiểu, từng trải nghiệm qua các hoạt
động cá nhân đã thực hiện, và cũng xin giới hạn nội dung liên quan đến các vấn
đề pháp lý đối với hoạt động thiện nguyện của các hội, nhóm tự tổ chức.
1. Tư cách pháp lý của nhóm thiện nguyện
Chắc hẳn khi thành lập và vận hành một hội nhóm thiện nguyện,
người tổ chức luôn mong muốn hội nhóm của mình được công nhận tư cách pháp lý độc
lập, có thể nhân danh tổ chức để thực hiện các hoạt động, kêu gọi vận động và liên
hệ làm việc với cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, việc đăng ký thành lập như thế
nào, điều kiện thành lập và hoạt động ra sao thì không phải hội nhóm nào cũng
có thể đáp ứng. Điều kiện để thành lập, hoạt động một quỹ từ thiện, quỹ xã hội
có nhiều yêu cầu đặt ra, cùng với đó là trình tự thủ tục cấp phép chặt chẽ. Các
điều kiện cơ bản gồm có:
-
Tôn chỉ hoạt động vì mục đích từ thiện, không vì
mục đích lợi nhuận;
-
Điều kiện đối với sáng lập viên;
-
Tài sản tối thiểu để thành lập quỹ; và
-
Hồ sơ thành lập.
Đơn cử về tài sản tối thiểu đóng góp thành lập quỹ, đối với
quỹ hoạt động trong phạm vi cấp huyện phải có tài sản tối thiểu 100 triệu đồng,
nếu có tài sản của tổ chức, người nước ngoài thì giá trị tối thiểu phải không
thấp hơn 1 tỷ đồng[1]. Đối
với phạm vi hoạt động rộng hơn thì giá trị tài sản phải đáp ứng ở các mức cao
hơn tương ứng.
Rõ
ràng, để đáp ứng các điều kiện nêu trên là không hề dễ dàng. Mặc dù có nhiều
nhu cầu song chỉ những hội nhóm có quy mô hoạt động rộng rãi, nguồn tài chính ổn
định thì mới có thể thực hiện đăng ký hoạt động theo cách thức này. Nhưng cũng
phải nhìn nhận rằng, một tổ chức được đăng ký, có tư cách pháp nhân với tài sản
độc lập sẽ thuận lợi hơn khi thực hiện các hoạt động thiện nguyện. Như vậy, nếu
chưa đủ điều kiện thành lập pháp nhân, (những) người tổ chức điều hành hội nhóm
sẽ nhân danh và chịu trách nhiệm với tư cách cá nhân đối với các hoạt động hội
nhóm của mình.
2. Xin phép cho các hoạt động, chương trình
Mỗi một chương trình được tổ chức
có thể trải qua nhiều giai đoạn với các hoạt động khác nhau. Các hoạt động thiện
nguyện cũng rất đa dạng như: kêu gọi ủng hộ, biểu diễn nghệ thuật gây quỹ, triển
lãm hay hội thảo, v.v. Khi tổ chức có thể yêu cầu phải tập trung đông người hoặc
địa điểm tổ chức có thể diễn ra ở nơi công cộng hoặc vùng sâu vùng xa, vùng biên
giới. Khi lên kế hoạch thực hiện một chương trình cụ thể, người làm thiện nguyện
phải cân nhắc các yếu tố trên và tự đặt ra vấn đề: công việc nào của tôi cần phải
có sự cho phép của Nhà nước?
Tại sao chúng ta phải cân nhắc điều
này? - Chắc hẳn mọi người vẫn nhớ đến sự kiện 3600 phần quà và 25 tấn hàng hóa
của nhóm Xây trường vùng cao dành cho xã Mường Lạn – Sốp Cộp – Sơn La bị từ chối
vào đầu năm 2016. Trong sự kiện này, vấn đề xin phép tổ chức chính là một
nguyên nhân gây ra khó khăn cho đoàn thiện nguyện.
Như vậy, khi nào phải xin phép và
thực hiện ra sao? – Sẽ không có một công thức chung nào cả. Trước khi tiến hành
các công việc, người làm thiện nguyện phải thống kê được tất cả các công việc
thực hiện, tìm hiểu thông tin và dự kiến các rủi ro. Chẳng hạn khi biểu diễn
nghệ thuật gây quỹ, vấn đề cần quan tâm là: tập trung đông người ở nơi công cộng,
vấn đề tác quyền tác phẩm; hoặc khi chương trình dự kiến diễn ra ở vùng biên giới
thì người làm tình nguyện cần liên hệ địa phương để hiểu được chính sách quản
lý đặc thù của vùng, từ đó có cách thức thực hiện phù hợp. Cùng với sự tìm hiểu
quy định quản lý của Nhà nước, người làm tình nguyện lưu ý đến thẩm quyền cấp
phép để đảm bảo tính hợp pháp của các văn bản chấp thuận.
Để hạn chế tối đa các rủi ro, thực
hiện chương trình theo cơ chế phối hợp với tổ chức xã hội đã được Nhà nước công
nhận như Hội Chữ thập đỏ, Đoàn Thanh niên sẽ đảm bảo tính chính thống, có quy
trình và phê duyệt rõ ràng trong các hoạt động. Nhận thấy rằng đây là hình thức
phổ biến được các hội nhóm thiện nguyện thực hiện. Sự phối hợp vừa hạn chế rủi
ro, vừa mang đến hiệu quả về nguồn lực tổ chức chương trình.
3. Công khai thông tin tài chính
Mặc dù không có quy định bắt buộc
các thông tin phải công khai, đặc biệt là các thông tin về tài chính, tuy nhiên
thực hiện tốt công khai thông tin sẽ hạn chế các rủi ro phát sinh.
Rủi ro nào nếu thông tin không được
công khai? – Về mặt pháp lý, các thông tin không được công khai rõ ràng, đặc biệt
là vấn đề thu chi sẽ có nguy cơ dẫn đến những khiếu nại, khiếu kiện từ người
đóng góp hoặc người tiếp nhận. Trách nhiệm tất nhiên sẽ thuộc về người trực tiếp
thực hiện thu chi. Bên cạnh đó, uy tín của hội nhóm cũng bị ảnh hưởng.
Vậy cần phải công khai thông tin
như thế nào? – Để thực hiện công khai thông tin, trước tiên người làm thiện
nguyện cần lưu ý về chứng từ, tài liệu minh chứng trong quá trình thu chi. Hóa
đơn, chứng từ mua hàng hay xác nhận của địa phương tiếp nhận là những minh chứng
cần thiết, người làm thiện nguyện không nên vì ngại hình thức hay sợ rườm rà mà
bỏ qua. Tiếp đến, công khai thông tin có thể thực hiện bằng nhiều hình thức
khác nhau, thông qua văn bản hoặc đăng tin trên mạng xã hội. Công khai thông
tin là một công việc đơn giản, song cần phải được chú trọng trong hoạt động thiện
nguyện.
Tóm lại, để có thể thực hiện tốt
các mục tiêu hỗ trợ cộng đồng, người làm công tác xã hội – thiện nguyện cần
quan tâm đến các vấn đề pháp lý liên quan. Một mặt sẽ giúp hạn chế các rủi ro,
mặt khác tạo nên những thuận lợi trong công tác tổ chức, góp phần nâng cao uy
tín của hội nhóm – yếu tố nền tảng làm nên sự thành công.
Trên đây là một vài suy nghĩ của
tác giả liên quan đến vấn đề pháp lý trong hoạt động thiện nguyện.
Bài viết chia sẻ góc nhìn cá nhân,
hy vọng sẽ nhận được sự góp ý từ mọi người để bài biết được hoàn thiện hơn.
Thân ái.
Lý Thành Nhân
[1] Xin tham khảo thêm nội
dung tại Nghị định số 30/2012/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động
của quỹ xã hội, quỹ từ thiện
Nhận xét
Đăng nhận xét