Đề tài được thực hiện trong quá trình học tập tại trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
cùng các thành viên nhóm học tập
cùng các thành viên nhóm học tập
---
Hiến pháp được thừa
nhận là cơ sở pháp lý của toàn bộ đời sống quốc gia và xã hội, là đạo luật cơ bản
của một nước, là trung tâm của toàn bộ hệ thống pháp luật. Các quy định của Hiến
pháp là những quy định xác lập, có giá trị xuất phát điểm, điều chỉnh những
quan hệ xã hội quan trọng nhất và đồng thời là cơ sở pháp luật cho tất cả các
ngành luật, nhằm làm cho các ngành luật khác nhau đảm bảo tính thống nhất và
hài hòa. Tuy nhiên, nguy cơ xâm phạm Hiến pháp trong quá trình hướng dẫn và thực
hiện là điều khó tránh khỏi.
Hiến pháp đã ra đời
trong xã hội tư bản. Giai cấp tư sản xây dựng Hiến pháp nhằm làm cơ sở pháp lý
để hạn chế quyền lực vô hạn của giai cấp địa chủ mà đứng đầu là nhà vua. Đồng
thời, các mô hình bảo vệ Hiến pháp điển hình trên thế giới hiện nay đều có nguồn
gốc và tập trung ở các nhà nước tư bản. Trong khi đó, ở Việt Nam, chưa có một
cơ chế giám sát Hiến pháp độc lập, chuyên trách, được giao cho nhiều cơ quan mà
cao nhất là Quốc hội. Quốc hội vừa là cơ quan lập hiến, vừa giám sát tối cao việc
tuân thủ Hiến pháp, tự mình quyết định tính hợp hiến của các đạo luật nên không
thể tránh khỏi trường hợp “vừa đá bóng vừa thổi còi”.
Chính vì vậy,
chúng tôi cho rằng Việt Nam nên có một cơ chế giám sát phù hợp và hiệu quả hơn.
Với mục đích đó, chúng tôi tiến hành nghiên cứu các mô hình bảo hiến ở các nhà
nước tư bản và đưa ra các lựa chọn phù hợp với tình hình kinh tế, chính trị, xã
hội của Việt Nam. Vì vậy, đề tài có nhan đề là: “Các mô hình bảo hiến ở một số
nước tư bản và bài học kinh nghiệm cho Việt Nam”.
[...]
Theo
quan điểm nhóm nghiên cứu, nên lựa chọn mô hình thành lập Hội đồng bảo hiến trên
cơ sở giải quyết tốt nhất các vướng mắc hiện tại.
Về
tính khả thi của mô hình, thành lập Ủy ban giám sát tiến tới Hội đồng bảo hiến
mang tính khả thi cao so với trao quyền bảo hiến cho Tòa án tối cao để tiến tới
thành lập Tòa án Hiến pháp.
Với phương án trao quyền phán quyết về các hành vi vi hiến cho Tòa án tối cao, nhiều chuyên gia cũng nghi ngại không ổn bởi sự quá tải và chất lượng
xét xử ở cơ quan này hiện nay. Theo TS Nguyễn Ngọc
Điện: “Chức năng xét xử trong lĩnh vực tư pháp còn chưa được làm tròn; việc đảm
nhận thêm chức năng bảo hiến là không hợp lý”[1].
Như vậy, nhằm đảm
bảo khả năng thực hiện chức năng bảo hiến hiệu quả thì việc lựa chọn Hội đồng bảo hiến mang tính thuyết phục hơn.
Về
việc giải quyết các vướng mắc hiện tại cần giải quyết hai vấn đề chính là: Tính
độc lập của cơ quan bảo hiến và thẩm quyền của cơ quan bảo hiến so với các cơ
quan quyền lực khác.
Đối
với đảm bảo tính độc lập của cơ quan bảo hiến, Hội đồng bảo hiến do Quốc hội thành
lập song phải có sự độc lập tương đối với Quốc hội. Tính độc lập có thể được
thiết lập thông qua: nhiệm kỳ của Hội đồng bảo hiến dài hơn Quốc hội, Hội đồng
bảo hiến chỉ có trách nhiệm báo cáo mà không phải chịu sự giám sát từ Quốc hội,…
Với những quy định như vậy, Hội đồng bảo hiến có sự độc lập nhất định trong hoạt
động của mình. Thêm nữa, Hội đồng bảo hiến có chức năng kiểm tra tính hợp hiến
của luật, nếu phát hiện vi hiến thì kiến nghị Quốc hội xem xét lại. Còn với các
văn bản khác thì khi phát hiện vi hiến, Hội đồng này không những kiến nghị xem
xét mà còn đề nghị sửa đổi, bổ sung, nếu không được chấp nhận thì
đề nghị Quốc hội bãi bỏ. Như vậy, hoạt động của Hội đồng bảo hiến đảm bảo hiệu
quả, không mang tính hình thức, hạn chế tối đa tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi
còi”.
Đối
với việc giải quyết thẩm quyền của cơ quan bảo hiến so với các cơ quan khác, cần
rà soát tổng thể các cơ quan, chủ động trao quyền thực hiện hoạt động bảo hiến
cho Hội đồng bảo hiến. Cụ thể các quy định trao quyền giám sát việc thi hành Hiến
pháp cho các cơ quan khác cần quy về cho Hội đồng bảo hiến, ví dụ quy định Ủy
ban thường vụ Quốc hội: “Ủy ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành Hiến
pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban thường vụ
Quốc hội; giám sát hoạt động của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm
sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập”[2]; hay Hội đồng Dân tộc và
các Ủy ban Quốc hội: “Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, Hội đồng
dân tộc, Ủy ban của Quốc hội có trách nhiệm phát hiện văn bản có dấu hiệu trái
Hiến pháp và kiến nghị cơ quan đã ban hành văn bản thực hiện việc sửa đổi, bổ
sung, bãi bỏ văn bản đó; trường hợp cơ quan đã ban hành văn bản không thực hiện
kiến nghị thì Hội đồng, Ủy ban có quyền kiến nghị Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc
hội xem xét, xử lý theo thẩm quyền”[3].
Nhìn chung, thẩm quyền của Hội đồng bảo hiến phải được ghi nhận rõ ràng, tránh
sự chồng chéo với các cơ quan khác. Có như vậy, Hội đồng mới phát huy được vai
trò của mình. Dần tiến tới xây dựng một Hội đồng bảo hiến đảm bảo đủ khả năng
thực hiện các hoạt động bảo vệ hiến pháp khi có đủ cơ sở về thay đổi trong cấu
trúc bộ máy nhà nước và điều kiện pháp lý được đảm bảo.
Tóm
lại, sự cần thiết thành lập một chế định bảo vệ hiến pháp đã rõ ràng, không còn
bàn cãi. Việc học tập kinh nghiệm và chọn lực mô hình bảo hiến cho Việt Nam đòi
hỏi xem xét toàn diện từ tính hiệu quả cho đến khả năng thực hiện phù hợp với bối
cảnh đất nước. Một cơ chế bảo hiến phù hợp sẽ tạo nên cơ sở vững chắc xây dựng
nền dân chủ của xã hội, xây dựng nhà nước pháp quyền.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến đề tài!
Lý Thành Nhân
[1] Minh Cường, Trao đổi về mô hình cơ
quan bảo hiến: Hiến pháp như cái bàn thờ phải được tôn trọng
[http://duthaoonline.quochoi.vn/DuThao/Lists/TT_TINLAPPHAP/View_Detail.aspx?ItemID=303]
(truy cập ngày 23/5/2016).
[2]
Khoản 2 Điều 50 Luật số 57/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Quốc Hội về
Tổ chức Quốc hội.
[3]
Khoản 1 Điều 80 Luật số 57/2014/QH13 ngày 20 tháng 11 năm 2014 của Quốc Hội về
Tổ chức Quốc hội.
Nhận xét
Đăng nhận xét