Đặc điểm và chức năng của công chứng Việt Nam trên cơ sở trường phái công chứng Latin



Lý Thành Nhân
Mở đầu
Hoạt động công chứng Việt Nam được tái lập và phát triển từ những năm 80 của thế kỷ 20. Năm 1987, những văn bản pháp lý ra đời nhằm điều chỉnh hoạt động công chứng, nổi bật là Thông tư số 574/QLTPK ngày 10/10/1987 của Bộ Tư pháp hướng dẫn công tác công chứng nhà nước. Trải qua hơn 30 năm, hoạt động công chứng Việt Nam đã phát triển và có nhiều điểm tiến bộ. Về số lượng tổ chức công chứng, năm 2013, cả nước có 625 tổ chức công chứng. Ngày 09/10/2013, Việt Nam đã chính thức được kết nạp là thành viên thứ 84 của Liên minh Công chứng Quốc tế, sự kiện có ý nghĩa lớn của công chứng Việt Nam trên trường quốc tế[1]. Mặc dù có nhiều cố gắng cải cách qua các Luật công chứng, hoạt động công chứng Việt Nam vẫn còn những hạn chế. Trong đó, vấn đề đội ngũ công chứng viên, quản lý hoạt động công chứng và xây dựng tổ chức xã hội nghề nghiệp công chứng là những vấn đề được quan tâm[2].
Bài viết này tập trung làm rõ những đặc điểm và chức năng của hoạt động công chứng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Những đặc điểm và chức năng của hoạt động công chứng là những yếu tố định hướng hoạt động công chứng hiệu quả, đạt yêu cầu nhà nước đặt ra đối với chế định này. Trong bài viết, tác giả dựa trên những nội dung cơ bản của trường phái công chứng Latin làm cơ sở trình bày các vấn đề của hoạt động công chứng Việt Nam.
[...]

3. Chức năng của công chứng Việt Nam
Khi đề cập đến chức năng của hoạt động công chứng trong hệ thống công chứng Latin, có nhận định cho rằng: “The notary carries out several important functions, the nexus of which is the authentication of legal documents”[3]. Nhận thấy rằng nhận định này cũng phù hợp cho hoạt động công chứng tại Việt Nam. Để tìm hiểu đầy đủ hơn về chức năng công chứng, chúng ta xem xét các khía cạnh sau đây:
[...]
3.2 Chức năng thống nhất quản lý quản lý chặt chẽ hợp đồng, giao dịch
Các giao dịch nếu được công chứng đúng trình tự thủ tục sẽ tạo nên một cơ sở dữ liệu về giao dịch từ các địa phương đến hệ thống dữ liệu toàn quốc. Đây là chức năng quan trọng giúp cho (i) Nhà nước quản lý được các giao dịch diễn ra trong nền kinh tế; (ii) các tổ chức công chứng kiểm tra được các thông tin giao dịch và xác định tính hợp pháp của giao dịch và (iii) các bên giao có thể dễ dàng tiếp cận thông tin về các giao dịch. Có thể thấy, chức năng này của hoạt động công chứng có ý nghĩa với nhiều chủ thể, từ chủ thể quản lý nhà nước đến người tham gia giao dịch.
Tại Việt Nam, việc quản lý chặt chẽ các giao dịch, hợp đồng liên quan đến bất động sản là một vấn đề đáng chú ý. Bất động sản là một loại hàng hoá đặc biệt, có giá trị cao. Đồng thời, các giao dịch bất động sản luôn đòi hỏi thủ tục chặt chẽ. Cho nên, bất động sản cũng như giao dịch về bất động sản cần có cơ chế kiểm soát của Nhà nước bằng các thiết chế phù hợp và việc quản lý chặt chẽ các giao dịch, hợp đồng liên quan đến bất động sản là rất cần thiết[4]. Công chứng sẽ thay mặt và hỗ trợ nhà nước thực hiện chức năng này.
Để góp phần thống nhất quản lý, việc tạo ra một cơ sở dữ liệu về giao dịch là rất cần thiết. Điều 62 Luật công chứng đã quy định về cơ sở dữ liệu công chứng[5]. Đây được xem là một công cụ hữu hiệu để thực hiện quản lý giao dịch.
[...]
Kết luận chung:
Từ những nội dung đã trình bày và phân tích, tác giả đưa ra các kết luận như sau:
Thứ nhất, Việt Nam lựa chọn mô hình công chứng Latin là phù hợp với hệ thống pháp luật của Việt Nam cũng như có thể tiếp thu kinh nghiệm từ tổ chức quốc tế của hệ thống công chứng này. Đây là một điều kiện thuận lợi để Việt Nam tiếp tục hoàn thiện pháp luật công chứng nói riêng và hệ thống tư pháp nói chung.
Thứ hai, công chứng Việt Nam quan tâm đến hai mặt là tính xác thực của giao dịch và nội dung giao dịch. Đồng thời, công chứng Việt Nam đảm nhận nhiều chức năng, trong đó có chức năng tạo hành lang pháp lý an toàn cho giao dịch, hạn chế vi phạm pháp luật và tranh chấp. Đây đặc điểm quan trọng và chức năng quan trọng trong bối cảnh ý thức pháp luật và hoạt động thực hiện pháp luật tại Việt Nam cần có nhiều cải tiến.
Thứ ba, cần nhận thức đúng và đầy đủ về đặc điểm và chức năng của công chứng Việt Nam trong bối cảnh kinh tế - xã hội hiện nay. Từ đó tiếp tục có những nghiên cứu hoàn thiện về: cơ sở xác định tính hợp pháp của giao dịch, thủ tục công chứng và biện pháp bảo đảm giá trị văn bản công chứng./.

Cám ơn bạn đã quan tâm đến chủ đề!

[1] Hoàng Thị Chung (2014), “Tìm hiểu mô hình công chứng trên thế giới và kinh nghiệm tham khảo cho Việt Nam”, Website Văn phòng Chính phủ - Cục kiểm soát thủ tục hành chính, http://www.thutuchanhchinh.vn/noidung/tintuc/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=73 truy cập 06/8/2018
[2] Khoản 1 Điều 62 Luật Công chứng số 53/2014/QH13 quy định về Cơ sở dữ liệu công chứng
“Cơ sở dữ liệu công chứng bao gồm các thông tin về nguồn gốc tài sản, tình trạng giao dịch của tài sản và các thông tin về biện pháp ngăn chặn được áp dụng đối với tài sản có liên quan đến hợp đồng, giao dịch đã được công chứng”.

[3] Ola Jingryd (2008), Impartial Contract-Engineering in Real Estate Transactions - The Swedish Broker and the Latin Notary, Printed by Tryck & Media, Universitetsservice US-AB, Stockholm, pg.104

[4] Đỗ Hoàng Yến, Công chứng Việt Nam – Chặng đường phát triển và những cơ hội, thách thức, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, http://tcdcpl.moj.gov.vn/qt/tintuc/Pages/dien-dan-cong-tac-tu-phap.aspx?ItemID=213, truy cập 03/8/2018
[5] Bộ Tư pháp Việt Nam (2013), Báo cáo Tổng kết 5 năm thi hành Luật công chứng, trang 12 - 14

Nhận xét