Kỹ năng ăn Tết cơ bản cho người mới đi làm




Người mới đi làm ăn Tết có gì khác? - Không gì khác.
Lý Thành Nhân

1.      Giải quyết các công việc cuối năm
Như một truyền thống, cuối năm là thời điểm auto bận rộn với công việc. Dù làm việc trong ngành nào thì áp lực cuối năm đều tăng cao với không khí hối hả. Cũng chưa biết vì sao nó-lại-cứ-phải-là-như-vậy. Một người đi làm luôn mong muốn chốt tất cả công việc trước thời điểm nghỉ tết.
Loại trừ đi các nguyên do khách quan, “một bộ phận không nhỏ” các công việc còn tồn đọng xuất phát từ quá trình làm việc thiếu kỷ luật của bản thân trong năm cũ. Thiệt là là một thách thức trước thềm nghỉ tết song cũng là cơ hội để nhìn nhận lại những thiếu sót, rút kinh nghiệm cho một chiến dịch làm việc hiệu quả hơn trong năm mới. Một thái độ tích cực hoàn thành công việc cùng những định hướng cho năm mới sẽ tạo tâm thế háo hức hơn khi Tết về.

2.      Gắn kết các mối quan hệ
Trong dịp tết, khi nói đến cách ứng xử đối với các mối quan hệ của một người đi làm, đó không hẳn là quà biếu hay các buổi tiệc tùng. Người thân và tình thân xứng đáng là mối quan hệ được đề cao hơn cả. Mỗi mối quan hệ thân kính, thân tình, thân thiết, thân thuộc... mang đến những giá trị riêng biệt.
Giả sử thời gian nghỉ tết là 7 ngày – 168 giờ dành cho tết thì chúng ta sẽ dành bao nhiêu thời gian bên người thân của mình? Dành thời gian cho gia đình thật ấm cúng; dành thời gian cảm ơn cho thầy cô giáo; thăm hỏi họ hàng; giao lưu bạn bè; gặp gỡ người thân ở xa … liệu chúng ta có thể dành trọn vẹn thời gian cho từng mối quan hệ đó không? Có như vậy mới thấy Tết là dịp hiếm hoi và đáng quý, có nhiều điều cần làm.

3.      Thay đổi giao diện cá nhân
Thời điểm năm mới chính là lúc mọi người dễ dàng chấp nhận những thay đổi, những bất ngờ với thái độ tích cực nhất. Nếu một người mới đi làm có nhiều mong muốn thay đổi bản thân nhưng chưa dám thực hiện thì có thể tận dụng khoảng thời gian này để làm “điều ấy” mà không ngại ánh nhìn của mọi người xung quanh. Việc thay đổi có thể đơn giản là tuyên bố hình ảnh năm 2019 của mình là: “Nhàn – 75ký”, hay là “Nick Hải Sản”, hoặc cũng có thể xây dựng một hình ảnh người đi làm chín chắn và trưởng thành, hoặc bất kỳ hình ảnh nào mình muốn hướng đến. Nói chung, Tết là thời điểm tốt để thể hiện những thay đổi táo bạo của bản thân.

4.      Trở về với những giá trị truyền thống
Tết là thời điểm khơi gợi nhiều giá trị truyền thống nhất trong năm. Yêu cầu một người trẻ đào sâu vào các giá trị truyền thống đôi lúc là điều khó hài hòa được. Nhưng một người trẻ am hiểu nhiều về truyền thống sẽ tạo nên các thuận lợi trong giao tiếp, giải quyết công việc, đặc biệt là khi làm việc với đối tác lớn tuổi. Chúng ta sẽ phát hiện được nhiều thứ hay ho trong những cái cổ điển, đồng điệu với thế hệ trước sẽ mang đến cho chúng ta nhiều kinh nghiệm sống. Tóm lại là, thấy cái gì quê quê, xưa xưa thì thử tiếp xúc, sẽ thấy hay hay.

Trên đây là vài điều đơn giản mà ai cũng biết. :D

Lý Thành Nhân.
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến chủ đề!

Nhận xét