Mức độ tự do hóa thương mại về hàng rào phi thuế quan được
thể hiện thông qua các cam kết về cắt giảm, không áp dụng các biện pháp phi thuế
quan gây cản trở trong hoạt động xuất nhập khẩu. Tức là, càng hạn chế được các
biện pháp phi thuế quan thì tự do thương mại hàng hóa càng được mở rộng. Theo một
thống kê của World Bank, có 17 biện pháp phi thuế quan được các quốc gia áp dụng
(trong đó có SPS, TBT, giấy phép, hạn ngạch, kiểm soát số lượng, v.v)[1].
Có thể thấy các biện pháp phi thuế quan có tính đa dạng, do đó cần có quy định
minh bạch nhằm kiểm soát việc áp dụng gây ra các cản trở tự do thương mại. Trong
khuôn khổ WTO và ASEAN, nhận thấy quy định tại GATT và ATIGA đều thể hiện sự nổ
lực cắt giảm các biện pháp phi thuế quan đến mức tối thiểu, trừ một số ngoại lệ
được áp dụng vì các mục đích công cộng và có tính hợp lý được chấp nhận.
Trên cơ sở quy định GATT và ATIGA, việc so sánh mức độ tự
do hóa thương mại thể hiện qua các biện pháp phi thuế quan bao gồm biện pháp
hành chính và biện pháp kỹ thuật[2]
sau:
Đối với các biện
pháp hành chính mà điển hình là hạn chế định lượng, WTO tuyên bố chung rằng
các hạn chế định lượng dưới hình thức hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu hay xuất
khẩu hoặc các biện pháp khác sẽ không được phép áp dụng nhằm vào việc nhập khẩu
từ/xuất khẩu đến lãnh thổ của các thanh viên (Điều XI GATT). Quy định về hạn chế
định lượng, Điều 40 ATIGA ghi nhận rằng mỗi quốc gia thành viên cam kết không
thông qua hoặc duy trì bất kỳ biện pháp cấm hoặc hạn chế số lượng đối với nhập
khẩu từ/xuất khẩu đến một quốc gia thành viên khác đối với mọi mặt hàng. Nhận
thấy tại tuyên bố chung, GATT vẫn loại trừ việc áp dụng đối với nông sản, thủy
sản (điểm c khoản 2 Điều XI GATT), trong khi đó ATIGA tuyên bố rõ ràng việc loại
bỏ các hạn chế định lượng đối với mọi mặt hàng. Về giấy phép nhập khẩu, ATIGA dẫn
chiếu đến quy định của GATT, bên cạnh đó đề cao về tính minh bạch đồng thời yêu
cầu thông báo, cập nhật giữa các thành viên. Có thể thấy tự do hóa thương mại
được khẳng định tại ATIGA là rõ ràng và mức độ cao hơn.
Đối với các biện
pháp kỹ thuật, các nguyên tắc xây dựng và áp dụng các biện pháp kỹ thuật
ghi nhận tại Điều 75 ATIGA thể hiện rõ mục tiêu tự do hóa thương mại mà nổi bật
là nguyên tắc hài hoà giữa tiêu chuẩn quốc tế và quốc gia để tạo ra những tiêu
chuẩn quốc tế chung (ngoại trừ những trường hợp khi tồn tại những lý do chính
đáng cho phép sự ngoại lệ). Bên cạnh đó, ATIGA hướng đến quy định các biện pháp
thuật phải tạo điều kiện thuận lợi để thực hiện các thoả thuận về công nhận lẫn
nhau trong các ngành tương ứng. Đối sánh quy định tại ATIGA với quy định tại Hiệp
định về các Hàng rào Kỹ thuật đối với Thương mại (TBT) trong khuôn khổ WTO, nhận
thấy WTO vẫn cho phép duy trì các hàng rào kỹ thuật. Xem xét quy định về đối xử
đặc biệt và khác biệt cho các thành viên đang phát triển (Điều 12 TBT), WTO cho
phép các thành viên đang phát triển không buộc sử dụng các tiêu chuẩn quốc tế.
Như vậy, thành viên ASEAN (các quốc gia đang phát triển) hướng đến mở rộng tự
do hóa thương mại thông qua việc thúc đẩy áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, công
nhận lẫn nhau nhằm triệt tiêu các rào cản kỹ thuật không đáng có.
Dưới góc độ xem xét các ngoại lệ, WTO với hệ thống nhiều
hiệp định, số lượng lớn thành viên tham gia (hai nhóm cơ bản là các quốc gia
phát triển và các quốc gia đang phát triển), do vậy nhiều ngoại lệ được đặt ra.
Khả năng là các thành viên có thể sử dụng ngoại lệ chưa được giải thích rõ ràng,
kể cả các ngoại lệ chung tại Điều XX GATT để xây dựng các hàng rào phi thuế
quan không đáng có. Các ngoại lệ cho thành viên là quốc gia đang phát triển góp
phần làm hài hòa lợi ích giữa các nhóm thành viên, song cũng gây ra những hạn
chế nhất định cho quá trình tự do hóa thương mại. Đối sánh với các quy định tại
ATIGA, thấy rằng ATIGA có cấy ghép quy định về ngoại lệ chung của GATT, đồng thời
có dẫn chiếu đến các hiệp định thuộc Phụ lục 1A. Với đặc thù về thành viên,
mong muốn chung của ASEAN, các ngoại lệ tại ATIGA có phần hạn chế hơn so với
GATT.
Dưới góc độ thực thi các biện pháp, đặc biệt vấn đề công
bố và cam kết thực hiện, WTO đưa ra yêu cầu cho các thành viên phải công bố và
cam kết thực hiện nhưng chưa ghi nhận rõ cách thức thực hiện. Các quy định WTO
thường đặt ra yêu cầu công bố công khai, khẩn trương nhưng cách thức thực hiện
do quốc gia tự quyết định thực hiện bằng một “cách thức nào đó” (Điều X GATT).
Khi xem xét vấn đề này tại ATIGA, dễ nhận thấy cách thức công bố trên Internet
được ghi nhận như một kênh công bố thông tin chính thức, công khai (Điều 12, Điều
66 ATIGA); các thời hạn thực thi cụ thể cũng được đưa ra (khoản 6 Điều 75, Điều
42 ATIGA). Đồng thời, ASEAN có số lượng thành viên hạn chế hơn WTO do đó việc
thực thi công bố thông tin, cam kết thực hiện cũng có phần thuận lợi hơn, tính
tự do thương mại từ đó cũng nâng cao hơn.
Kết lại, WTO và ASEAN đều hướng đến mục tiêu cắt giảm,
triệt tiêu các biện pháp phi thuế quan trong thương mại quốc tế. Trong quan hệ
đối sánh, nhận thấy mức độ tự do hóa thương mại ASEAN tạo nhiều điểm cởi mở hơn
so với WTO. Qua các quy định về các biện pháp phi thuế quan, sự tự do hóa thương
mại khối ASEAN thể hiện qua cơ chế công khai thông tin, xây dựng lộ trình cam kết
rút ngắn, quan tâm sự phối hợp giữa các thành viên tạo nên các chuẩn mực chung.
Các khối thương mại càng hướng đến tự do hóa sẽ thúc đẩy tiến trình tự do hóa
thương mại toàn cầu.
Lý Thành Nhân
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến chủ đề!
Nguồn ảnh: Pexels https://www.pexels.com/photo/close-up-of-hand-holding-paper-326036
[1] Olivier Cadot, Mariem
Malouche, and Sebastián Sáez (2012), Streamlining
Non-Tariff Measures - A Toolkit for Policy Makers, The World Bank, page 11.
[2] Lê Xuân Trường (2014), “Xóa
bỏ hàng rào thuế quan và phi thuế quan: Xu thế tất yếu của quá trình hội nhập”,
Tạp chí Tài chính, số 6 – 2014
http://tapchitaichinh.vn/nghien-cuu--trao-doi/trao-doi-binh-luan/xoa-bo-hang-rao-thue-quan-va-phi-thue-quan-xu-the-tat-yeu-cua-qua-trinh-hoi-nhap-86311.html,
truy cập 16/01/2019
Tác giả Lê Xuân Trường phân chia rào cản phi thuế quan
làm hai nhóm gồm: rào cản hành chính và rào cản kỹ thuật.
Nhận xét
Đăng nhận xét