[Book review] Tiền không mua được gì?


“Tiền không mua được gì?” (What money can’t buy) là cuốn sách truyền được cảm hứng chia sẻ một khi đã trải nghiệm nội dung của nó. Đây tiếp tục là tác phẩm của Michael Sandel sau cuốn “Phải trái đúng sai” (Justice: What’s the right thing to do?) – tập trung viết về triết học đạo đức thông qua những ví dụ thực tế và gần gũi. “Tiền không mua được gì?” cũng là một tác phẩm như vậy, triết học đạo đức với nội dung được đại chúng hóa nhưng các giá trị khoa học vẫn được chú trọng cao độ.

Hey:
         Viết về đạo đức, nhưng, sẽ không tìm được trong cuốn sách này bất kỳ “bài học đạo đức” nào như trong truyện dân gian “bó đũa”.
         Viết về tiền, nhưng, sẽ không một chỉ dẫn nào về chi tiêu, quản lý tiền bạc hay cổ võ tinh thần “cái gì không mua được bằng tiền sẽ mua được bằng rất nhiều tiền” đâu đâu.

         [?] Vậy cuốn sách sẽ mang đến cho chúng ta những gì – Phải nói là rất nhiều thứ hay ho ngay từ những trang viết đầu tiên.
         Thứ nhất, một cách tiếp cận bình dân cho những vấn đề hóc búa: “Tuyệt vời, dễ đọc, được truyền tải một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển, xen lẫn dí dỏm,… một cuốn cách không thể không đọc về quan hệ giữa đạo đức và kinh tế” (David Aaronovitch, The Times – London). Viết về triết học nhưng mọi thứ sẽ thật gần gũi, đó có thể là việc hàng ngày trong gia đình như chuyện ba mẹ có phần thưởng khi con cái học tốt, hay những điều chúng ta cảm thấy quá bình thường như dịch vụ y tế VIP, bay hạng thương gia v.v Dưới góc nhìn mới, mọi chuyện trở nên phức tạp hơn, đặt ra nhiều suy nghĩ hơn để rồi sau những phân tích, chúng ta phải “À thì ra…”.
         Thứ hai, một hệ thống lập luận tuyệt bdời: xuyên suốt cuốn sách sẽ là những tình huống giống giống về biểu hiện hình thức nhưng bản chất thì không hẳn, không có một kết luận cụ thể nhưng sẽ giúp độc giả nhận định được vấn đề nên đi theo hướng nào. Đó là lối dẫn quen thuộc của GS. Michael mà mình được tiếp cận thông qua một số tiết học trong môn Kỹ năng nghiên cứu và lập luận ở trường Luật. Sự dẫn dắt có hệ thống tạo nên sự cuốn hút và trở nên nghệ thuật.
         Thứ ba, một sự phong phú về kiến thức và nghiêm túc trong cách đặt vấn đề: hẳn nhiên là vậy, để đạt được hai yếu tố nêu ở trên thì đồng nghĩa lượng thông tin cũng phong phú không kém. Sẽ không thể trình bày lại tất cả những nội dung nên mình sẽ lấy ra một ví dụ mà bản thân cảm thấy tâm đắc nhất: thị trường mua bán tín chỉ cacbon trong kiểm soát lượng khí phát thải toàn cầu[i]. Thị trường tín chỉ cacbon được các nhà kinh tế đánh giá là công cụ hiệu quả trong vấn đề bảo vệ môi trường toàn cầu. Nhưng liệu môi trường có phải là một thứ được mang ra mua bán? Vấn đề mua bán tín chỉ cacbon có vi phạm vấn đề đạo đức (lẽ phải) nào hay không?
         Bản thân tác giả đã chỉ trích vấn đề này vào những năm 70 nhưng đến nay cũng chính ông phải xem xét lại những lời chỉ trích của mình trước kia. Khi vấn đề này được đặt ra, mình vẫn cho rằng thị trường tín chỉ cacbon là một điều tốt, một công cụ hữu hiệu theo pháp luật quốc tế về môi trường.
… Và… khi một vấn đề tương tự được đặt ra: đề xuất phát hành giấy phép sinh con tại Trung Quốc và chuyển nhượng giấy phép này trong thực hiện chính sách dân số 1-2 con. Đề xuất cấp phép mỗi người nữ được 1 (hoặc 2) giấy phép sinh con thay thế cho quy định áp đặt mỗi gia đình chỉ sinh 1 (hoặc 2) con. Trường hợp một người KHÔNG có nhu cầu sinh con (ví dụ như tu sĩ) thì có thể chuyển nhượng giấy phép này cho người có nhu cầu. Như vậy tổng số trẻ em sinh ra vẫn được kiểm soát. Nhưng liệu vấn đề này có vi phạm đạo đức hay không?

         Sẽ không có một kết luận cụ thể. Thay vào đó, tác giả chỉ ta rằng trước mỗi quyết định thì người ra quyết định đang có lối tư duy nào, họ dựa vào những cơ sở nền tảng nào. Từ đó, một cái nhìn tổng thể của mỗi người sẽ được phác họa để họ nhất quán hơn trong mỗi quyết định của mình về sau.
Riêng đối với người học luật thì cuốn sách như một lời nhắc mỗi khi chúng ta muốn đề xuất phương án sử dụng công cụ kinh tế điều tiết các quan hệ hội, pháp luật.

Lý Thành Nhân



[i] Hiểu nôm na là khi thực hiện cam kết bảo vệ môi trường, các quốc gia đặt ra chỉ tiêu phát thải. Chỉ tiêu phát thải sẽ quy đổi thành các tín chỉ cacbon và có thể mua bán được trên thị trường. Nơi có nhu cầu phát thải vượt chỉ tiêu thì có thể mua lại của nơi còn chỉ tiêu chưa sử dụng hết. Về cơ bản, tổng lượng phát thải trên toàn cầu vẫn có thể kiểm soát được.

Nhận xét