ảnh: internet
Lý Thành Nhân
Hợp đồng dịch vụ khuyến mại (“HĐ DVKM”) là
thỏa thuận được lập giữa thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ khuyến mại trực
tuyến (“DV KMTT”) với thương nhân, tổ chức, cá nhân có hàng hóa, dịch vụ được
khuyến mại. Đây là giao dịch được xác lập giữa hai chủ thể là bên cung cấp DV KMTT
và bên có hàng hóa, dịch vụ cần khuyến mại. Thông qua website KMTT, một dịch vụ
được cung cấp cho bên có hàng hóa, dịch vụ nhằm triển khai được hoạt động khuyến
mại của mình.
Về
hình thức hợp đồng, Điều 43 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi)
dẫn chiếu đến Điều 90 Luật Thương mại 2005, theo đó hình thức hợp đồng phải phải
được lập thành văn bản hoặc bằng hình thức khác có giá trị pháp lý tương đương
(bao gồm điện báo, telex, fax, thông điệp dữ liệu và các hình thức khác theo
quy định của pháp luật). Như vậy, một HĐ DVKM phải tuân thủ quy định về hình thức
nhưng đồng thời các bên có thể chọn các hình thức xác lập hợp đồng khác nhau,
trong đó có thể sử dụng hợp đồng điện tử.
Về
nội dung hợp đồng, không có quy định những nội dung cơ bản của
HĐ DVKM song khoản 1 Điều 43 Nghị định 52/2013/NĐ-CP (sửa đổi) yêu cầu HĐ DVKM
cần thể hiện hai nội dung như sau:
(i) Phân định trách nhiệm giữa các bên
trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục để thực hiện hoạt động khuyến mại
theo quy định của pháp luật về khuyến mại;
(ii) Quy định cụ thể nghĩa vụ giải quyết
khiếu nại và bồi thường cho khách hàng trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ được
khuyến mại hoặc hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại không phù hợp với nội dung
đã thông báo hay cam kết.
Hai nội dung nêu trên tập trung vào việc
phân định trách nhiệm của bên cung cấp DV KMTT và bên có hàng hóa, dịch vụ khuyến
mại bao gồm quá trình triển khai hoạt động khuyến mại và xử lý trong mối quan hệ
với khách hàng (người dùng hoặc thành viên của website). Bên cạnh đó, quy định
về TMĐT cũng dự liệu trường hợp hợp đồng không thể hiện rõ hai nội dung theo
yêu cầu trên. Trong trường hợp thỏa thuận không rõ về nghĩa vụ của từng bên thì
bên cung cấp DV KMTT sẽ thực hiện các nghĩa vụ, chịu trách nhiệm đối với khách
hàng.
Các nội dung cơ bản của hợp đồng như đối
tượng hợp đồng bao gồm các hàng hóa được khuyến mại, quyền, nghĩa vụ và trách
nhiệm của từng bên sẽ thực hiện theo quy định về khuyến mại và cung ứng dịch vụ
tại Luật Thương mại 2005.
Từ việc phân định nghĩa vụ của từng bên tại
HĐ DVKM đặt ra vấn đề: có cần thiết cung cấp, phổ biến nội dung của hợp đồng đến
khách hàng hay không. Xét rằng, khách hàng là một bên chịu tác động trực tiếp của
thỏa thuận về phân định nghĩa vụ, do đó khách hàng có quyền được thông tin chủ
thể nào có nghĩa vụ trong từng giai đoạn giao dịch và giải quyết các khiếu nại,
bồi thường phát sinh. Tuy nhiên, khách hàng không phải là một bên giao dịch
trong hợp đồng DVKM và quy định hiện hành không đặt ra yêu cầu thông tin tại hợp
đồng DVKM phải được cung cấp cho khách hàng. Để đảm bảo quyền lợi của khách
hàng, các nội dung thỏa thuận tại HĐ DVKM cần được thể hiện và cung cấp đến
khách hàng theo hình thức quy chế hoạt động, cơ chế tiếp nhận, giải quyết các
khiếu nại của khách hàng. Như vậy, cần có tính thống nhất giữa HĐ DVKM và những
thông tin được công bố tại website về vấn đề phân định nghĩa vụ.
[Chủ đề là một nội dung nhỏ trong đề tài chung của nhóm trong môn học PL Thương mại điện tử - Lớp cao học]
Cảm ơn bạn đã quan tâm đến chủ đề.
Lý Thành Nhân.
Nhận xét
Đăng nhận xét