[Quick review] Một cuốn sách có nội dung hay hơn cái tên của nó


Ban đầu khi mua cuốn sách này, mình không đặt nhiều kỳ vọng về nội dung và thông tin sẽ góp nhặt được. Nhưng rồi "Những cấm kị khi giao tiếp với khách hàng" đã chứng minh được sự hữu ích và tính hấp dẫn của nó ngay từ ... Mục lục.

Như mình đã đề cập ngay ở tiêu đề, cuốn sách có nội dung sáng giá hơn tên gọi của nó. Mọi thứ không dừng ở giao tiếp - trong một cách nghĩ đơn thuần nhất - mà đó là một quy trình đầy đủ từ tiếp xúc khách hàng, giới thiệu, thiết lập giao dịch, xử lý tình huống phát sinh. Mọi thứ được thiết kế trình bày đơn giản và trực tiếp đi vào từng vấn đề. Nội dung không hướng đến cái gì đó mới mẻ, thay vào đó là những gợi nhắc về những điều-phải-biết nhưng vì nhiều lý do mà các saleman đã xem nhẹ, bỏ qua.

Trở lại với cái tên, không lựa chọn một cái tên nào khác bóng bẩy hay hàm ý, "Những cấm kị khi giao tiếp với khách hàng" thể hiện quan điểm tập trung trình bày về những điều cấm kị. Có lẽ, những thiếu sót hay sai lầm trong kinh doanh chính là những cái dễ gây ấn tượng, cần được chú ý và dễ dàng rút ra bài học hơn. Với tiêu đề đó, 69 loại kị được trình bày như một tập điều răn trong lĩnh vực bán hàng. Thú vị.

Đến với tác giả và thể loại, khi nói về sách kinh doanh, người đọc thường tìm đến các tác giả hay doanh nhân phương tây thì "Những cấm kị khi giao tiếp với khách hàng" là tác phẩm của một tác giả châu Á. Mình thích người Á viết về kinh doanh hơn vì có sự phù hợp về quan niệm và bối cảnh kinh doanh.

Và ... vẫn đang tiếp tục đọc.
---
P/s: Với cách trình bày thông qua case cụ thể, cuốn sách này cũng làm mình liên tưởng đến cuốn "Chào hàng chuyên nghiệp để bán hàng thành công" - TG: Lưu Chí Văn cũng là một tác giả người châu Á.
P/s2: Cũng thích cuốn "Bổ được cà chua, mở được tiệm cơm; bật được nắp chai, mở được quán nhậu" - TG: Uno Takashi.
Để thấy góc nhìn châu Á về kinh doanh nói chung và bán hàng nói riêng cũng rất thú vị.


Cảm ơn bạn đã quan tâm đến bài viết!
Lý Thành Nhân

Nhận xét